Lượt xem: 507

Cô Tạ Thị Tên - Học tập và làm theo làm theo lời Bác trong xây dựng cuộc sống mới hôm nay

Thời gian qua, trên địa bàn Khóm 4, Phường 7, thành phố Sóc Trăng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó làm kinh tế và tham gia công tác xã hội nhiệt tình, trong đó có cô Tạ Thị Tên được biết đến là tấm gương sáng cho những hội viên khác học tập noi theo.

    Xuất thân từ gia đình nông dân Khmer nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn; nhưng cô đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Từ tháng 7 năm 1958 đến tháng 4 năm 1961, cô thoát ly gia đình làm nòng cốt trong phong trào tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị ở xã An Ninh (huyện Mỹ Tú). Từ 1962 - 1975, cô hoạt động tại huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu và tỉnh Sóc Trăng với nhiệm vụ được giao là vận động học sinh, sinh viên biểu tình, xây dựng cơ sở; đảm nhiệm công tác phụ vận, đi sâu vận động chị em phụ nữ Khmer đấu tranh chính trị từ cơ sở đến tỉnh, bám trụ xây dựng lực lượng phục vụ cho tấn công địch mùa Xuân 1968 vào thị xã Sóc Trăng, mở lớp đào tạo cán bộ Khmer cho cơ sở và tỉnh. Từ tháng 9 năm 1974 đến tháng 12 năm 1975, cô được tổ chức rút lên Ban Khmer vận Tây Nam bộ phụ trách việc đào tạo cán bộ Khmer cho cả vùng.

    Sau ngày thống nhất đất nước, sát nhập ba tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Từ năm 1975 đến năm 1994, cô là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Hậu Giang. Từ năm 1992 đến năm 1994 là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng; từ năm 1982 đến năm 1992, cô là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa V và VI. Năm 1994, cô được nghỉ hưu.


Cô Tạ Thị Tên - người ngồi bên trái và cán bộ Phường 7, thành phố Sóc Trăng. 

 

    Những năm đầu khi mới nghỉ hưu, cuộc sống của cô gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chủ yếu dựa vào lương hưu hằng tháng, chồng lại hy sinh trong kháng chiến... Một mình cô đã phải xoay sở rất nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi hai con trai (trong đó cháu đầu bị bệnh) và ba cháu nội ăn học. Cuộc sống lắm gian truân luôn khiến cô trăn trở, băn khoăn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để cải thiện đời sống. Cô thường suy nghĩ trong kháng chiến ác liệt, gian khổ vẫn tìm mọi cách hoàn thành công tác được giao, giờ sống trong hòa bình, ngay trên mảnh đất của cha, ông mình, chẳng lẽ mình chịu thua, cứ nghèo khổ mãi!

    Khi Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được ban hành; sau này là Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cô Tạ Thị Tên như được tiếp thêm sức mạnh. Những lời dạy của Bác về “cần, kiệm”, tấm gương cao đẹp mà chân thực nhất của Bác về sự giản dị, khiêm nhường, đức hy sinh cao cả… và trên hết là ý chí vượt khó của Người đã cho cô Tên thêm niềm tin, động lực. Qua những mẩu chuyện về Bác mà cô được nghe trong các cuộc sinh hoạt Chi hội Phụ nữ, qua theo dõi báo, đài… dần dần thấm vào từng hành động và suy nghĩ của cô. Việc học tập và làm theo Bác ở cô Tên cũng đơn giản lắm, gắn với nếp nghĩ, nếp làm trong cuộc sống đời thường của cô.

    Với phương châm “học đi đôi với làm theo” từ những việc nhỏ nhất, bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, lồng ghép với Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở địa phương. Đến nay, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của cô và Chi hội phụ nữ Khóm 4, Phường 7, thành phố Sóc Trăng.

    Việc học tập và làm theo Bác Hồ của cô Tên - người nữ chiến sỹ năm xưa toát lên ý chí, nghị lực, quyết tâm cao. Cô âm thầm nhẫn nại, cần cù, siêng năng; song lao động, sản xuất có kế hoạch, bài bản và sáng tạo, có năng suất cao hơn; lao động với tinh thần vượt khó, tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Cô thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”… và tận đáy lòng mình, cô luôn tâm niệm: mình không bao giờ đứng ngoài cuộc mà lúc nào cũng luôn gương mẫu đi đầu đúng với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Từ việc làm của cô đã tạo sức lan tỏa lớn trong Chi bộ, trong Chi hội Phụ nữ Khóm 4, Phường 7, thành phố Sóc Trăng

    Nghĩ là làm, năm 2005, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 7, thành phố Sóc Trăng, cô và gia đình mạnh dạn đầu tư chuồng trại và mua lợn thịt, gà về nuôi. Tuy nhiên, quá trình nuôi ban đầu gặp không ít trắc trở do đồng vốn ít ỏi, thiếu kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên đàn heo, gà còi cọc, phát triển chậm. May mắn được Hội Liên hiệp Phụ nữ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi lợn bản địa, cô tham gia và về áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi tại gia đình nên trong quá trình chăn nuôi đàn lợn của cô luôn khỏe mạnh, không có dịch bệnh xảy ra. Nhờ vậy, cô mua thêm 8 công ruộng, thuê thêm ruộng làm 2 vụ/năm, mỗi năm trên 10 tấn lúa; trồng thêm rau, màu vừa để ăn vừa bán để trang trải bữa ăn cho cả nhà. Với số tiền dành dụm này, cô không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình, mà còn đầu tư làm lại ngôi nhà khang trang, sạch, đẹp; nuôi con, cháu ăn học và tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi gà, heo, chỉ dẫn kinh nghiệm lao động, sản xuất cho bà con chòm xóm.

    Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, cô còn được mọi người biết đến là người cán bộ hưu trí tuy tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng rất nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào phụ nữ và phong trào tại địa phương. Cô luôn dành thời gian đến từng gia đình, giúp ai còn khó khăn để chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế; đồng thời tạo mọi điều kiện giúp đỡ về vốn, cây, con giống cho những hội viên khác muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong khả năng của mình. Đặc biệt, cô còn tham mưu đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố và Ban Dân tộc tỉnh thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo và bồi dưỡng đào tạo cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc Khmer. Ngoài ra, cô còn tranh thủ các mạnh thường quân trên địa bàn thăm và tặng nhiều suất học bổng, xe đạp, sách vở… cho học sinh, sinh viên dân tộc nghèo vượt khó trong nhiều năm qua.

    Gia đình cô Tên là một gia đình mẫu mực, hằng năm đều được công nhận Gia đình văn hóa; con, cháu của cô đều chăm ngoan, có công ăn việc làm và lễ phép với mọi người.

    Có thể nói, cô Tạ Thị Tên là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được như ngày hôm nay của cô thật đáng trân trọng. Cô đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ghi nhận khen thưởng. Cô Tạ Thị Tên, người phụ nữ đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong học tập, lao động và xây dựng cuộc sống mới hôm nay. Đặc biệt là hình ảnh một nữ cán bộ hưu trí người dân tộc Khmer đầy nhiệt huyết, luôn truyền lửa cho thế hệ trẻ và đồng bào, đồng chí với những tình cảm tốt đẹp nhất. Cô xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và làm theo, là lời nhắn nhủ để mọi người luôn phấn đấu, rèn luyện và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Anh Võ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 404
  • Trong tuần: 70,831
  • Tất cả: 11,802,838